Mưu giành lại ngai vàng Nguyễn_Phúc_Hồng_Bảo

Ngai vàng trong điện Thái Hòa (Huế).

Mưu sự lần đầu (1851)

Trong thư ngày 26 tháng 11 năm 1848, Giám mục Pellerin lúc bấy giờ đang ở Huế, viết:

Theo tôi biết thì Hồng Bảo đã nhiều lần tìm cách lấy lại ngôi báu mà ông đáng được thừa kế, vì là con trưởng và ông đã muốn lôi cuốn những người Công giáo về phe ông bằng cách hứa hẹn với họ không những sự tự do mà còn cả ảnh hưởng của ông để biến vương quốc của ông thành (một quốc gia) Thiên chúa giáo. Tôi không biết những lời hứa hẹn ấy thành thực đến mức độ nào. Các con chiên nhiều lần đến hỏi ý kiến tôi về vấn đề ấy, tôi luôn luôn trả lời rằng chỉ nên tin tưởng ở Chúa Trời và Đức Mẹ và tôi cấm họ xen vào những việc chính trị... [7].

Ngoài ra, còn có hai giáo sĩ khác lúc bấy giờ cũng đang truyền giáo ở Huế, như Giám mục Retord, giáo sĩ Galy... đều ghi lại sự việc với nội dung tương tự trên[8].

Thấy không thể trông cậy vào những người Công giáo, Hồng Bảo xoay qua hướng khác. L. Cadière kể:

Nhưng cuối tháng giêng năm 1851, trong dịp tết âm lịch, người ta bắt ông giữa lúc đang sửa soạn trốn sang Singapore cầu viện người Anh... Ông định tự tử, nhưng những người đầy tớ khuyên can, nên ông quyết định nhờ sự khoan dung của nhà vua. Ông mặc áo tang, xõa tóc, ẵm đứa con trưởng khoảng sáu, bảy tuổi, đi đến cung vua khóc lóc thảm thiết. Khi được vào yết kiến, ông thú nhận có ý định trốn ra nước ngoài, nhưng không phải để kêu gọi người ngoại quốc đến gây giặc giã mà chỉ vì nghèo khổ, bị bạn bè và kẻ hầu hạ khi dễ, xa lánh...nên ông chỉ muốn đi qua Pháp để được sống như một người dân thường. Không chắc nhà vua tin những lời ấy, nhưng cảm động vì thấy anh quỳ dưới chân mình để van xin. Nhà vua vỗ về...hứa sẽ lo cho ông được sung túc, nhận con ông làm con nuôi và còn cho ông một trăm nén bạc và một nén vàng....[9]

Mưu sự lần sau (1854)

Được tha, Hồng Bảo lại tìm cách lật đổ Tự Đức. Trong thư khác viết vào năm 1855 [10] Giám mục Pellerin cho biết:

Một hôm Hồng Bảo họp những người đồng đảng lại để uống huyết thệ (uống máu ăn thề). Sau buổi lễ, một số người trong nhóm ra nước ngoài, có lẽ để tuyển thêm đồng chí. Một người trong bọn trở về nước bằng ngã XiêmCao Mên, có đem theo một nhà sư vừa tuyển mộ được. Vì đối đãi với nhà sư không được chu đáo ở dọc đường, nên khi vừa về nước, nhà sư liền đi tố cáo với quan.Quan bắt y lúc đang ngủ, trói lại, bỏ vào cũi như một con thú dữ và giải về kinh đô. Bị tra tấn, y khai tất cả...Hoàng tử Hồng Bảo bị kết án lăng trì[11]. Nhưng vua Tự Đức đã ân xá, đổi thành tù chung thân, giam trong một nhà ngục làm riêng cho ông... Thừa lúc một mình, ông dùng màn giường thắt cổ chết. Nhà vua cho chôn cất với một quan tài đơn sơ, không nghi lễ gì cả...

Sách Quốc triều chính biên chép:

"An Phong công Hồng Bảo mưu nghịch rồi thắt cổ chết trong nhà giam... Con trai, con gái đều dự vào mưu phản nghịch ấy...Trước đó Hồng Bảo vì không được lập, lòng âm mưu lạ, lén thông đồng với người Tây bị phát giác, bắt được giải về kinh xét qua đúng như vậy. Hồng Bảo trong nhà giam tự tử, con cái đều cải qua họ Đinh là họ mẹ cả"[12].

Sách Quốc triều sử toát yếu chép:

Năm Giáp Dần (1854), tháng giêng…Hường Bảo mưu nghịch, tự tử (vì không được lập cho nên mưu nghịch. Khi có tội, triều đình đổi ra họ Đinh). Con trai, con gái Hường Bảo và người dự mưu là Tôn Thất Bật đều bị xóa tên trong sổ Tôn Thất[13].

Căn cứ thông tin này, thì Hoàng tử Hồng Bảo chết vào tháng giêng năm Giáp Dần (1854), hưởng dương 29 tuổi.